Trong thư ngõ của 61 đảng viên “kì cựu”gửi Ban Chấp hành Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam với lập luận rằng: “Từ nhiều năm nay, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình xô-viết, được coi là dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin… giữ nguyên thể chế độc đảng toàn trị kìm hãm tự do, dân chủ và chia rẽ dân tộc. Đường lối sai cùng với bộ máy cầm quyền quan liêu, tha hóa tạo điều kiện cho sự lộng hành của các nhóm lợi ích bất chính gắn với tệ tham nhũng, đưa đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện, ngày càng tụt hậu so với nhiều nước xung quanh”.
“Trong khi đó, giới lãnh đạo Trung Quốc từ lâu đã theo đuổi mưu đồ đặt nước ta vào vị thế lệ thuộc, phục vụ lợi ích của Trung Quốc… Cho đến nay, thế lực bành trướng Trung Quốc đã đi được những bước quan trọng trong mưu đồ biến Việt Nam thành “chư hầu kiểu mới” của họ”.
Vì vậy, các vị đã ngõ lời với Ban chấp hành Trung ương cùng toàn thể đảng viên hai việc:
1. “ĐCSVN tự giác và chủ động thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hòa”.
2. “Lãnh đạo đảng và nhà nước thống nhất nhận định về mưu đồ và hành động của thế lực bành trướng Trung Quốc đối với nước ta, từ bỏ những nhận thức mơ hồ, ảo tưởng; và có đối sách trước mắt và lâu dài bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ trong mọi tình huống, thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc, xây dựng quan hệ láng giềng hòa thuận, hợp tác bình đẳng, vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước”.
Như vậy, các vị đã thái quá khi phủ định sạch trơn lịch sử đấu tranh, xây dựng của Đảng (trong đó có cả các vị). Trong bài viết này, tôi chỉ trao đổi với các vị về một vấn đề uy tính của ĐCS Việt Nam và đường lối của Đảng hiện nay. Vấn đề cư xử với Trung Quốc xin nói sau.
Theo tôi, vị thế và đường lối của đảng cộng sản Việt Nam có được như ngày nay đã chứng tỏ tính chính danh và hợp lý, bởi lẽ nó đã được thử thách qua thời gian và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân vì mấy vấn đề:
Thứ nhất, chắc các vị quá biết rằng, khi xã hội loài người chưa phát triển, con người sống thành bầy đàn và đã biết cần phải hiệp đồng với nhau để chống chọi với thiên nhiên, duy trì cuộc sống, từ đó hình thành nên các bộ tộc, bộ lạc. Do đó, đó đòi hỏi phải có những người thay mặt cộng đồng đứng ra điều hành hoạt động của cả cộng động, vì vậy, xuất hiện các tù trưởng, tộc trưởng, già làng, trưởng bản. Như vậy, khởi đầu trong đời sống, con người đã quan niệm sự hiện diện, hoạt động của thủ lĩnh là cần thiết, tất yếu, tất nhiên, hợp lý.
Thời phong kiến, xã hội thừa nhận quyền lực nhà nước, quyền lực của vua chúa là thứ quyền lực tuyệt đối. Vua không phải là người thay mặt cho đa số, nhưng vua là thiên tử, là người thay trời hành đạo. Vua có quyền nắm tất cả các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để thực hiện cai trị thiên hạ, vua cha truyền ngôi cho vua con là đương nhiên, tất yếu. Sự tuân thủ đó là bổn phận tuyệt đối, không cần suy nghĩ của muôn dân.
Các nhà tư tưởng thời cận đại, như J. Locke, Mông-tec-xki-ơ, J.J. Rut-so đều cho rằng, con người từ khi sinh ra đã có những quyền bất khả xâm phạm - quyền tự do công dân - họ là những công dân chính trị. Bất cứ nhà nước nào cũng gắn với quyền lực, nhưng quyền lực nhà nước là quyền lực của dân, do dân ủy quyền, dân nuôi nhà nước và do đó, nhà nước phải phục vụ dân, nhân viên công lực phải là công bộc của dân. Nhà nước thực hiện được những nguyên tắc đó thì sự tồn tại nhà nước đó là chính đáng. Nếu nhà nước vi phạm hợp đồng, có thể dân sẽ thay nhà nước đó bằng một nhà nước khác thông qua một cuộc cách mạng.
Chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định, sự xuất hiện giai cấp và đấu tranh giai cấp là kết quả tất yếu của sự phát triển kinh tế, khi xã hội có sản phẩm dư thừa và bộ phận người này chiếm đoạt sản phẩm lao động của bộ phận người khác. Giai cấp nắm quyền lực kinh tế tất yếu trở thành giai cấp nắm quyền lực thống trị và quyền lực của giai cấp thống trị bao giờ cũng được thiết lập bằng tổ chức nhà nước. Sự xuất hiện nhà nước vô sản và đảng vô sản cùng với các hình thức nhà nước khác, đảng khác nắm quyền trong thời đại ngày nay là chính đáng, cần thiết, tất yếu.
Ở Việt Nam, trong lịch sử hiện đại đã có rất nhiều chính đảng chính trị, tất cả họ đều ít nhiều có những tham vọng vươn lên nắm quyền lực. Tuy nhiên, rốt cuộc chỉ có ĐCS là chính đảng thành công. Bởi vì, chủ thể chính trị ấy đã có đường lối đúng, hợp lòng dân nên đã huy động được sức mạnh toàn dân làm cách mạng xã hội thắng lợi. Ngày nay ĐCS cũng đang lãnh đạo nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, phá thế bao vây cấm vận, phát triển kinh tế thắng lợi, từng bước nâng cao mức sống của nhân dân nên được dân tin tưởng. Do vậy, quyền lãnh đạo của ĐCS là cần thiết, tất yếu, tất nhiên, chưa có một chính đảng chính trị nào hiện nay thay thế được. Chưa có ai thay thế được hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh của họ. Và do đó, quyền lãnh đạo của ĐCS là quyền chính đáng.
Gần đây, ở trong nước có xuất hiện một số tổ chức tự phát dưới cái gọi là 16 tổ chức "xã hội dân sự" nhưng tập hợp trong nó là sự trở đi, trở lại của một số cái tên mà trong đó có quá nhiều những nhân vật có nhân cách hạ đẳng. Họ không thể và không bao giờ là ngọn cờ chính trị được cả về tầm nhận thức và phương pháp hoạt động.
Thứ hai, sự thừa nhận xã hội đối với một chủ thể xã hội hay chủ thể chính trị nào đó là sự thừa nhận về danh vị (địa vị, chức danh trong các thang bậc của quyền lực) và quyền hạn được làm những gì và không được làm những gì (nhiệm vụ, bổn phận, quyền và lợi) trong hành vi của mỗi chủ thể chính trị, xã hội. Sự thừa nhận xã hội là cái tạo cho mỗi chủ thể chính trị uy quyền chính đáng.
Nho giáo đặc biệt nhấn mạnh uy quyền chính đáng theo tiêu chí sự thừa nhận xã hội về sự chính danh. Để duy trì được quyền lực, điều quan trọng nhất là nhà vua phải giữ được đức tín, giữ được lòng tin của dân. Dân đã tin thì vương triều đó hưng thịnh, thế lực rất mạnh, đất nước vững âu vàng.
Sự thừa nhận của xã hội về vị trí, vai trò, quyền lực chính trị đối với mỗi chủ thể chính trị bao giờ cũng thể hiện ở niềm tin chính trị, sự tín nhiệm xã hội đối với chủ thể đó. Chính niềm tin, sự tín nhiệm của dân chúng với đảng cầm quyền là cái tạo nên sức cuốn hút họ thực hiện quyền lực. Nhưng để có được niềm tin, để xã hội giao quyền cho một chủ thể nào đó và để có sự phục tùng nghiêm túc của dân chúng đối với chủ thể trong quan hệ quyền lực, lại tuỳ thuộc chủ yếu ở việc thực hiện các quan hệ lợi ích có đáp ứng được các yêu cầu chính đáng của dân chúng hay không.
Sự thực ở Việt Nam, uy quyền chính đáng của Đảng cộng sản VN với nhân dân đã được Cương lĩnh chính trị của Đảng xác định là:“Đảng công sản VN là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”. Lợi ích của đảng thống nhất với lợi ích của nhân dân, Đảng lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu hoạt động của mình. Xã hội mà VN đang xây dựng là xã hội XHCN có những đặc trưng cơ bản: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Do nhân dân làm chủ; Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc; có điều kiện phát triển toàn diện; Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới”.
Những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa được nêu trên vừa phản ánh được bản chất của chủ nghĩa xã hội mà ĐCS hướng tới. Đồng thời nó cũng phản ánh nguyện vọng của nhân dân Việt Nam. Vì vậy, nó tạo niềm tin của nhân dân vào một xã hội tốt đẹp. Nó cuốn hút toàn dân hưởng ứng chủ trương của ĐCS. Và chính nó khẳng định vị thế chính đáng mà ĐCS có được. Vì thế vị trí của đảng cộng sản ngày nay đồng nghĩa với sự thừa nhận, niềm tin, sức cuốn hút xã hội.
Thứ ba, một lực lượng nào đó muốn nắm được quyền lực, muốn giữ được quyền lực lâu dài thì chủ thể đó phải luôn ở vị trí tiên tiến, tiền phong.
Trong các xã hội thực dân xâm lược, thống trị, tầng lớp cai trị trở nên phản động, là lực lượng đối lập với lợi ích toàn xã hội, kìm hãm phát triển xã hội, nên những lực lượng chính trị mới, thông qua một cuộc cách mạng để giành quyền lực. Lực lượng chính trị nào làm cách mạng để giành vị trí quyền lực mà có mục tiêu thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng hợp lòng dân, hợp với xu thế thời đại, thì lực lượng đó sẽ được xã hội thừa nhận.
Xã hội tư bản, dưới sự thống trị của giai cấp tư sản là xã hội đầy rẫy áp bức, bất công. Với mục tiêu xóa bỏ áp bức, bất công, các đảng cộng sản ở nhiều nước châu Âu, châu Á đã thực hiện cuộc cách mạng vô sản giành chính quyền, xây dựng chủ nghĩa xã hội là tất yếu, phù hợp với xu thế của thời đại, do đó được dân chúng ủng hộ nên mới thành công. Nhiều nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh, nhiều đảng tư sản dân tộc, đảng công nhân đã đứng ở vị trí tiên phong trong lãnh đạo cuộc đấu tranh chống thực dân, giành độc lập cho đất nước, và nhiều đảng trong số đó đã cầm quyền cho đến ngày nay, được dân tín nhiệm, thừa nhận.
Nhưng để mỗi một chính đảng, mỗi lực lượng chính trị - xã hội vươn lên nắm được quyền lực, cầm quyền một cách vững vàng thì phải tỏ rõ là vị trí tiên phong về đường lối, chiến lược, sách lược và về nghệ thuật tập hợp lực lượng cách mạng, đứng về lợi ích của dân tộc, của đa số để giành được ưu thế trong cuộc cạnh tranh quyết liệt với nhiều lực lượng chính trị, nhiều xu hướng chính trị khác nhau.
Ở Việt Nam, ĐCS đã đưa ra cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Với đặc thù của Việt Nam hiện nay, sự lựa chọn đó là đúng đắn, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Cho dù đây đó có những tiếng nói chê bai CNXH, cổ vũ cho mô hình TB. Song đó cũng chỉ là những ý kiến mang tính áp đặt chủ quan hoặc công kích, bôi xấu. CNTB cũng không phải là mô hình lý tưởng, trong nó cũng còn đầy rẫy những bất công mà các chính đảng chính trị cầm quyền cũng đang cố cải biến để tranh thủ lòng dân. Mỗi dân tộc có quyền chon lối đi cho mình. Những chính đảng chính trị cầm quyền nếu không chứng minh được đường lối của mình là tiên tiến, là tiến bộ thì tất yếu sẽ bị nhân dân phế bỏ, chẳng cần ai đó làm cách mạng thay họ. Vì vậy, mỗi khi ĐCS vẫn đứng vững ở vị trí cầm quyền của mình thì có nghĩa họ vẫn có uy tín trong nhân dân.
Thứ tư, Khi xem xét đến uy tính chính trị là xem xét đến trạng thái, mức độ bất tuân thủ quyền lực. Uy tính là những yếu tố mà chủ thể cai trị thiết lập được để thuyết phục những người bị trị phải tuân thủ và ủng hộ các mệnh lệnh mà chủ thể cai trị đưa ra một cách tự nguyện nhằm đạt được hiệu lực và hiệu quả của quyền lực. Như vậy, uy tính gắn với nghĩa vụ, bổn phận của các khách thể chính trị trong việc tuân thủ các mệnh lệnh của chủ thể quyền lực. Nghĩa vụ tuân thủ như vậy có cơ sở không phải từ nỗi sợ hãi bị trừng phạt hay thuần túy từ lợi ích cá nhân, mà là từ sự công nhận về chuẩn mực đạo đức, sự hợp lẽ, sự hợp lý, khách quan và tự nhiên của chủ thể quyền lực mà nhà nước là hiện thân.
Hiện nay, như đánh giá của đa số nhân dân, dưới sự lãnh đạo của ĐCS Việt Nam, đất nước đã vượt qua nhiều thử thách cam go, kinh tế, văn hóa, xã hội không ngừng phát triển, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, vị thế đất nước ngày càng cao, sự đồng thuận giữa đảng và nhân dân ngày càng bền chặt. Đội ngũ cán bộ, đảng viên tận tụy với công việc, gương mẫu, hết lòng vì dân. Tuy trong đội ngũ của đảng đang có bộ phận có những biểu hiện sa sút, thoái hóa về đạo đức, lối sống làm mất lòng dân, làm suy yếu uy tính của đảng. Song, bằng thái độ nghiêm khắc, chân thành, ĐCS đã thẳng thắn chỉ ra những yếu kém của mình và coi đó là nguy cơ cần được loại trừ để củng cố uy tính của Đảng. Tổng bí thư của Đảng đã mạnh mẽ tuyên chiến với tiêu cực, tham nhũng ở mức coi đó là “sự tồn vong” của Đảng. Và tất yếu khách quan, nếu Đảng không làm được điều đó thì nhân dân sẽ không còn tính nhiệm. Tính chất sống còn là ở chỗ đó, vì vậy như ông Tổng bí thư đảng đã nói "không buông, không nhân nhượng, không cho qua"với tiêu cực tham nhũng. Những vụ án lớn gần đây cho thấy đảng đã nói đi đôi với làm, chúng ta phải tin vào điều đó.
Thứ năm, uy tính trong chính trị không bất biến mà khả biến (thay đổi) theo từng giai đoạn lịch sử phát triển của xã hội. Có những cái trước đây được coi là đúng đắn, nhưng có thể trong thời đại mới nó lại không được coi là đúng đắn nữa và ngược lại. Những yếu tố cho sự thừa nhận xã hội về tính chính danh của chủ thể chính trị thay đổi theo thời gian, theo sự phát triển của xã hội, theo trình độ tư duy chính trị ở mỗi thời đại, theo bản chất của giai cấp nắm quyền thống trị và theo quan niệm của các học thuyết, trường phái tư tưởng chính trị. Do đó, uy tính trong chính trị là một khái niệm có nội hàm mang tính tương đối.
Đảng cộng sản Việt Nam, cũng như các chính đảng cầm quyền khác, nếu không không ngừng hoàn thiện mình, làm mất lòng tin của dân chúng thì uy tính cũng sẽ không còn. Chính vì vậy, đường lối chính trị của ĐCS Việt Nam chưa bao giờ là sự sao chép nguyên xi của lịch sử. Mỗi kỳ đại hội là mỗi lần Đảng nhìn nhận đánh giá lại để chọn lựa cái đúng đắn, tiên tiến, loại trừ cái sai, cái lạc hậu. Trong đó, có những vấn đề cốt tử, chẳng hạn như vấn đề kinh tế thị trường, xóa bỏ nền kinh tế hế hoạch hóa, bao cấp. Và chắc chắn trong tiến trình phát triển, phù hợp với xu thế quốc tế, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân Đảng sẽ phải luôn hoàn thiện mình.
Ngày nay, uy tín của ĐCS vẫn chiếm ưu thế trong lòng dân Việt Nam. Bởi vì đường lối chính trị của Đảng đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, lợi ích mà nhân dân có được như ngày nay là kết quả của quá trình đấu tranh gian khổ bằng sự đồng thuận của nhân dân với đảng. Ở Việt Nam chính trị vẫn ổn định, xã hội vẫn an toàn. Mặc dầu đây đó cũng còn những ý kiến phản biện trái chiều nhưng nó là tất nhiên và cần thiết cho một xã hội dân chủ. Điều quan trọng là, những ý kiến đó có thuyết phục được đông đảo nhân dân hay không. Những ý kiến của các vị cho rằng: “Từ nhiều năm nay, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình xô-viết, được coi là dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin… giữ nguyên thể chế độc đảng toàn trị kìm hãm tự do, dân chủ và chia rẽ dân tộc” là hàm hồ, phi lý và có tính vu cáo.
Mặc dầu, rất trân trọng quá khứ đóng góp của các vị song tôi cũng phải nói rằng, đừng bắn súng lục vào quá khứ mà hãy cùng đảng, nhà nước tháo gỡ khó khăn, phát triển đất nước.
Mõ Làng
Mời bình